Một số vụ tai nạn hàng không Không quân nhân dân Việt Nam

Trực thăng

  • Ngày 22 tháng 11 năm 1992: chiếc trực thăng Mi-8 của quân đội được huy động từ Hà Nội chở theo lực lượng cứu nạn chuyến bay VN-474 (rơi ngày 14/11/1992) lại tiếp tục gặp nạn gần vùng núi Ô Kha làm 7 người trên máy bay tử nạn.
  • Ngày 26 tháng 1 năm 2005, chiếc trực thăng Mi-8 xuất phát từ đoàn bay Trung đoàn 954, Sư đoàn 372 tại Đà Nẵng chở đoàn cán bộ sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam và phóng viên từ sân bay Vinh đi đảo Hòn Mê (thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Lúc 15h 43 cùng ngày chiếc máy bay cất cánh từ Hòn Mê ra Hòn Mắt trong thời tiết sương mù dày đặc. Khi vừa rời mặt đất được 2 phút, do không nhận ra hướng bay nên máy báy đâm vào vách núi tại Hòn Mê. Tất cả 15 người cùng phi công trên máy bay đều tử nạn, trong đó có Trung tướng Trương Đình Thanh - Tư lệnh Quân khu, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tuấn - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4. Trong số người gặp nạn còn có năm đại tá và hai thượng tá.
  • Vụ máy bay Mi 171 rơi ở Hà Nội
  • Vào 7 giờ 23 phút ngày 28 tháng 1 năm 2015, chiếc UH-1 của trung đoàn 917, Sư đoàn không quân 370 cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất gặp sự cố hỏng hóc liên quan hệ thống điều khiển, đâm xuống khu vực thuộc nông trường Phạm Văn Hai, Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Tổ bay gồm 4 người hy sinh.
  • Vào 09h15 ngày 26 tháng 3 năm 2015, một trực thăng Mi-8 bị rơi ở độ cao 9-10m khi đang hạ cánh xuống sân bay đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận làm 3 người trong tổng số 8 người (4 hành khách và 4 phi hành đoàn) bị thương. Chiếc trực thăng quân sự cất cánh từ sân bay quân sự Thành Sơn, Phan Rang đến Phú Quý làm nhiệm vụ thì gặp nạn.[43]

Máy bay vận tải, tuần tra

  • Ngày 11 tháng 2 năm 1982, chuyến bay An-26 từ Pochentong (Phnom Penh, Campuchia) về Tân Sơn Nhất bị lạc đường, phải hạ cánh khẩn cấp xuống sườn đồi gần thị trấn Sakeo, cách biên giới Thái Lan - Campuchia khoảng 30 km. Do tiếp đất mạnh, phi công Hoàng Văn Khải bị thương nặng và hy sinh.
  • Ngày 16 tháng 9 năm 1987: Máy bay vận tải quân sự An-26 số hiệu 285 thuộc Trung đoàn Không quân vận tải 918, Quân chủng Không quân bay chặng Gia Lâm - Đà Nẵng - Tân Sơn Nhất thì mất tích sau khi cất cánh từ Đà Nẵng. Tháng 3 năm 1988, người dân địa phương tìm được xác máy bay trên núi Lẹp, Lộc Châu, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Tháng 5 năm 1991, quy tập được hài cốt của 62 người gồm phi hành đoàn và các chiến sĩ, cán bộ cùng người thân. Nguyên nhân tai nạn được cho là do thời tiết xấu, mây mù dày đặc. Sau vụ máy bay rơi, địa danh núi Lẹp ở Bảo Lộc được đồng bào người Mạ địa phương gọi tên là "đồi máy bay".[44]
  • Ngày 4 tháng 11 năm 2005, một chiếc máy bay trinh sát M-28 Mielec thuộc Trung đoàn 918 đột ngột bốc cháy và rơi xuống khu vực bãi cỏ xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội làm tất cả ba thành viên phi hành đoàn hy sinh.
  • Ngày 8 tháng 4 năm 2008: lúc 10 giờ sáng, chiếc máy bay An-26 thuộc Trung đoàn 918 Không quân (Gia Lâm) bị rơi tại một cánh đồng thuộc địa phận xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì (Hà Nội), cách trường học và khu dân cư vài trăm mét khiến 5 người trên máy bay tử nạn. Nguyên nhân có thể do máy bay đã bị chết động cơ khi đang bay.[45]
  • Ngày 16 tháng 6 năm 2016, máy bay Casa-212 8983 của Lữ đoàn không quân 918 xuất phát đi tìm kiếm cứu nạn 2 phi công lái chiến SU-30 MK2 rơi khi đang bay huấn luyện, thì gặp nạn. Khu vực được xác định trước khi mất tín hiệu lần cuối là cách đảo Bạch Long Vĩ 40 hải lý. Nguyên nhân ban đầu được cho là máy bay gặp thời tiết xấu đã hạ độ cao và gặp tai nạn. Máy bay gặp nạn có tất cả chín thành viên đều là những vị trí chủ chốt của Lữ đoàn 918.

Máy bay MIG-21

  • Ngày 30 tháng 4 năm 1971, chiếc MiG-21U do phi công Cống Phương Thảo chở huấn luyện viên Liên Xô là đại úy Yuri Poyarkov gặp nạn tại khu vực Vườn quốc gia Tam Đảo trong khi bay huấn luyện. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã tổ chức tìm kiếm song không thu được kết quả. Chiếc máy bay được cho là bị mất tích cho đến khi các mảnh vỡ được tìm thấy 47 năm sau vào năm 2018.[46]
  • Ngày 24 tháng 8 năm 2004, một chiếc MiG-21 số 5321 cất cánh từ sân bay Kiến An, Hải Phòng bị nạn rơi xuống xã Kim Đính, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương khiến phi công Nguyễn Văn Thái hy sinh.
  • Ngày 24 tháng 9 năm 2004, một chiếc tiêm kích MiG-21 thuộc Trung đoàn 940 đóng tại Phù Cát, trong lúc thực hành bay bài bay độ cao thấp đã va vào núi tại địa phận huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Hai phi công hy sinh.
  • Ngày 12 tháng 4 năm 2006, máy bay MiG-21 thuộc Trung đoàn 940 đóng tại Phù Cát, trong lúc bay tập luyện đã bị trục trặc kỹ thuật và rơi tại xã Phước Hòa, Tuy Phước, Bình Định, hai viên phi công kịp nhảy dù an toàn, một phi công bị thương nhẹ khi tiếp đất.
  • Ngày 11 tháng 5 năm 2006, một chiếc MiG-21 khác đâm vào nhà dân tại thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu huyện An Nhơn tỉnh Bình Định. Hai phi công nhảy dù ra an toàn nhưng một số nhà dân bị thiệt hại hay phá huỷ. Không có thương vong về người.
  • Ngày 24 tháng 11, 2007: Khoảng 14h chiều, một chiếc MiG-21 thuộc Trung đoàn không quân Sao Đỏ thuộc Sư đoàn không quân Thăng Long xuất phát từ sân bay Kép, bị nạn tại xã Nam Tiến, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, nhưng may mắn không có thiệt hại về người.
  • Chiều ngày 12 tháng 11 năm 2009, máy bay tiêm kích MiG-21 hai chỗ ngồi thuộc Đơn vị không quân C31, Đoàn Không quân B71, xuất phát từ sân bay Yên Bái, trong khi diễn tập gặp sự cố, đâm vào một nhà kho tại thành phố Yên Bái và phát nổ khiến hai phi công hy sinh.[47]
  • Sáng ngày 29 tháng 5 năm 2010, một chiếc MiG-21 thuộc Đoàn không quân C40, sân bay Phù Cát bất ngờ phát nổ trong khi bay diễn tập và đâm sập tường nhà người dân tại xóm Phúc Mới thôn Nam Tượng 3, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định làm 2 dân thường bị thương nhẹ. Phi công đã kịp bung dù nhảy ra khỏi máy bay và đáp xuống phải một mái nhà, bị kính cửa cắt vào bắp chân. Kể từ năm 2006 đến nay, đây lần thứ ba máy bay quân sự bị rơi trên địa bàn tỉnh Bình Định.[48]
  • Vào 20h30 ngày 7 tháng 7 năm 2010, chiếc MiG-21 khác thuộc đơn vị C21, Đoàn không quân B71 rơi tại cánh đồng thôn 1, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh. Nguyên nhân ban đầu được xác định là hỏng hệ thống dầu động cơ, dẫn đến mất áp suất dầu nén động cơ máy bay. Khi phát hiện bị sự cố, phi công Vũ Duy Minh đã cho máy bay hướng ra ngoại thành, cách xa khu vực dân cư và nhảy dù. Phi công chỉ bị xây xát nhẹ và không có thêm thương vong hay thiệt hại tài sản.[49]

Máy bay Su-22

  • Ngày 9 tháng 8 năm 2006, một chiếc Su-22 xuất phát từ sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) đã gặp sự cố và đâm thẳng vào chân núi Hòn Khô, xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận.
  • Ngày 9 tháng 6 năm 2009, một máy bay cường kích Su-22M4 của Trung đoàn 923 Yên Thế khi đang bay trên địa phận xã Cẩm Phú, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hoá) thì bất ngờ lao xuống khu vực đồi bãi Chiêng, ở thôn Lạc Long 2, xã Cẩm Phú (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) và bốc cháy.[50]
  • Hai chiếc tiêm kích Su-22M4 của trung đoàn không quân 937 (sư đoàn không quân 370) cất cánh từ sân bay quân sự Thành Sơn (Thành phố Phan Rang Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) đã mất liên lạc trên vùng biển Ninh Thuận lúc 11h trưa 16 thàng 4 năm 2015, khi đang diễn tập trên biển, rơi gần khu vực đảo Phú Quý chừng 6 hải lý. Hai phi công mắc nạn là Trung tá Lê Văn Nghĩa và Đại úy Nguyễn Anh Tú.[51]
  • Trong lúc bay huấn luyện, máy bay Su-22UM-3K số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921 (Sư đoàn 371 - Quân chủng Phòng không - Không quân) mất liên lạc lúc 11 giờ 35 phút ngày 26 tháng 7 năm 2018. Theo thông tin ban đầu máy bay rơi tại khu vực làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Hai phi công huấn luyện bay đã hi sinh.[52]

Máy bay Su-30

  • .Ngày 14 tháng 6 năm 2016, một máy bay tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân - Thanh Hóa) để thực tập huấn luyện, sau đó đã mất liên lạc khi cách đất liền ở Diễn Châu (Nghệ An) khoảng 25 km. Chiếc máy bay đã lao xuống biển, một phi công sống sót.[53]

Máy bay Yakovlev Yak-52

  • Ngày 9 tháng 3 năm 2004, một chiếc Yak-52 bay huấn luyện cất cánh từ sân bay Nha Trang đã rơi xuống thôn Suối Lau, xã Suối Cát, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà làm một cụ già thiệt mạng và một cháu bé bị thương nặng. Hai phi công kịp nhảy dù.
  • Ngày 14 tháng 6 năm 2019, máy bay Yakovlev Yak-52 của Không quân nhân dân Việt Nam của Trung đoàn không quân 920 đã bị rơi tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa lúc 9 giờ sáng khi đang bay diễn tập khiến hai phi công hi sinh[54].

Máy bay L-39

  • Ngày 29 tháng 4 năm 2005, chiếc máy bay huấn luyện L-39 thuộc E910 của Trường Sĩ quan không quân Việt Nam đang bay trên bầu trời Nha Trang thì đột ngột chết máy. Hai phi công đã điều khiển máy bay bay ra biển và nhảy dù. Người phi công bị thương nhẹ, còn đồng chí thượng tá, trung đoàn phó đã hy sinh.
  • Ngày 5 tháng 6 năm 2007, một chiếc L-39 bay huấn luyện thuộc Trung đoàn 910 Học viện Không quân Nha Trang, Quân chủng Phòng không Không quân - Bộ Quốc phòng xuất phát từ sân bay Thành Sơn thì va phải chim làm vỡ kính buồng lái, máy bay đâm xuống vùng biển thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách bờ 2 km. Vụ tai nạn khiến hai phi công là Trần Văn Deo và Lê Lâm Phương hy sinh.
  • Vào 8h20 ngày 26 tháng 8 năm 2016, máy bay huấn luyện Aero L-39 Albatros mang số hiệu 8705 thuộc Trung đoàn Không quân 910, Trường Sĩ quan không quân đang thực hiện bay huấn luyện thì gặp nạn và rơi ở Hòa Thành, Đông Hòa, Phú Yên. Tai nạn làm thượng sĩ Phạm Đức Trung, học viên phi công khóa K41, Trường Sĩ quan không quân hy sinh.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Không quân nhân dân Việt Nam http://acepilots.com/vietnam/viet_aces.html http://www.acepilots.com/vietnam/viet_aces.html http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/06/1606... http://www.richard-seaman.com/Aircraft/Museums/Vie... http://www.vietnamdefence.com/Home/tintuc/Viet-Nam... http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/11/3BA15996/ http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/05/3BA1C668/ http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/07/3BA1DEC9/ http://vnexpress.net/photo/thoi-su/nhung-vu-roi-ma... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/truc-thang-ro...